Hai lần đánh Nhã Khắc Tát Tát Bố Tố

Năm Khang Hi thứ 17 (1678), Tát Bố Tố được thụ chức Ninh Cổ Tháp Phó Đô thống. Người Nga [1] chiếm cứ Nhã Khắc Tát (雅克萨, tiếng Mãn: ᠶᠠᡴᠰᠠ, chuyển tả: Yaksa) [2].

Năm thứ 21 (1682), có chiếu sai ông soái quân cùng bọn Lang Thản đánh giá tình hình Nhã Khắc Tát, rồi xem xét đường thủy lục từ Ngạch Tô Lý đến Hắc Long Giang thông qua Ninh Cổ Tháp. Sau khi Lang Thản trở về báo cáo, Tát Bố Tố được lệnh dựng 2 thành gỗ ở Hắc Long Giang và Hô Mã Nhĩ, rồi theo Ba Hải đưa 500 quân Ninh Cổ Tháp đến giữ, đóng thuyền đặt pháo.

Năm thứ 22 (1683), Tát Bố Tố dâng sớ cho rằng 2 thành trên ở quá xa Nhã Khắc Tát, không gây được sức ép đối với quân Nga, đề nghị vào đầu tháng 7, đóng thuyền xong thì lập tức tấn công. Chư vương, đại thần đồng ý, nhưng Khang Hi Đế không cho. Sau đó triều đình mệnh Ba Hải lưu thủ Cát Lâm, lấy Tát Bố Tố cùng Ninh Cổ Tháp Phó Đô thống Ngõa Lễ Hỗ soái quân trú ở Ngạch Tô Lý. Ngạch Tô Lý nằm giữa Hắc Long Giang và Hô Mã Nhĩ, là vị trí trọng yếu có thể tiến đánh Nhã Khắc Tát, vẫn còn dấu vết của ruộng vườn xưa. Tát Bố Tố nhân đó dời 500 quân trú phòng người Đạt Hô Nhĩ [3] đến cày cấy, rồi xin điều 3000 quân Ninh Cổ Tháp luân phiên đồn thú. Đế nghĩ tình binh sĩ đồn thú vất vả, mệnh cho xây thành ở Hắc Long Giang, chuẩn bị công cụ, dựng đài quan sát, tính toán lộ trình để thiết lập các dịch trạm, vận lương tích trữ, đặt các chức Tướng quân, Phó Đô thống để lãnh nơi ấy. Tát Bố Tố được thăng làm Hắc Long Giang Tướng quân, nhận lệnh vỗ về những người Nga đã hàng, thụ quan chức cho một số, để họ đi vỗ về những kẻ khác.

Khang Hi Đế mệnh cho Đô thống Ngõa Sơn, Thị lang Quả Phi cùng Tát Bố Tố bàn việc quân, ông xin vào tháng 4 sang năm thì thủy lục cùng tiến, đánh thành Nhã Khắc Tát, nếu không hạ được thì gặt hết mùa màng của địch. Đế nói đã đánh thì phải chắc thắng, còn như mưu tính hấp tấp, sẽ dẫn đến làm việc rồ dại.

Năm thứ 24 (1685), Tát Bố Tố đi hội quân với bọn Bằng Xuân, tiến đánh Nhã Khắc Tát; sau khi quân Thanh chiếm được thành, nhận mệnh dời sang trú ở Mặc Nhĩ Căn (Mergen) [4], xây thành phòng ngự.

Năm thứ 25 (1686), dâng sớ nói người Nga quay lại chiếm cứ Nhã Khắc Tát, xin sửa sang chiến hạm, đợi băng tan thì tiến đánh. Đế sai lang trung Mãn Phi đi xem xét thì biết là thật, bèn mệnh cho Tát Bố Tố đình chỉ việc dời hơn ngàn gia đình binh đinh đến Mặc Nhĩ Căn, sửa sang chiến hạm, soái 2000 quân đi đánh. Tát Bố Tố hội sư với Lang Thản, Ban Đạt Nhĩ Sa đến dưới thành Nhã Khắc Tát. Tát Bố Tố lệnh cho đắp lũy 3 mặt, riêng phía tây thành gần sông, thì thủy quân trú ở đấy; lúc băng mỏng thì đỗ thuyền ở 2 bờ đông – tây, lúc băng dày thì chuyển vào sông nhánh; ngựa được cho ăn bằng rơm cỏ của Mặc Nhĩ Căn, Hắc Long Giang.

Quân Thanh chặn được cứu binh Nga từ Ni Bố Sở (Nibcu) [5], tính kế lâu dài. Đế nhờ người Hà Lan gởi thư cho Sa hoàng [6], Sa hoàng gởi thư trả lời sẽ cho sứ giả đến vẽ lại biên giới, nhưng trước tiên yêu cầu quân Thanh cởi vây cho Nhã Khắc Tát, đế đồng ý, mệnh cho rút quân. Sứ thần của Nga là bọn Feodor Golovin [7] đến Ni Bố Sở, triều đình mệnh cho bọn Nội đại thần Sách Ngạch Đồ đến hội, lệnh phát 500 quân Hắc Long Giang bảo vệ.

Năm thứ 29 (1690), Tát Bố Tố vào triều, nhận nhiều ân sủng, được ngồi vào ban dành cho Nội đại thần. Sau đó Tát Bố Tố được quản lý cống vật các bộ tộc người Sách Luân (Solon), dâng sớ trình bày các phong tục và việc sanh hoạt của các bộ, đề nghị dựa vào đó đặt ra các quy tắc, đế đồng ý tất cả.